Châm ngôn
Tầm quan trọng của Châm ngôn
1
Sau đây là những châm ngôn của Sô-lô-môn, con Đa-vít, vua Ít-ra-en
để dạy sự khôn ngoan và tiết độ;
giúp con chấp nhận sự sửa dạy,
am hiểu những lời thông sáng.
Không những chúng dạy con tiết độ và khôn ngoan
mà còn biết làm điều phải, công bằng và chính trực.
Những lời ấy khiến kẻ mộc mạc, chất phác trở nên khôn ngoan,
và giúp người trẻ tuổi thêm hiểu biết và dè dặt.
Kẻ khôn ngoan có thể nghe và học hỏi!
Người thông minh cũng tìm được ý tưởng hay.
Ai nấy có thể hiểu biết lời lẽ và truyện tích khôn ngoan,
cùng những lời của người khôn và câu đố của họ.
Kính sợ Chúa là khởi điểm của sự hiểu biết,
còn kẻ ngu dại ghét sự khôn ngoan và tiết độ.
Lời khuyên con
Con ơi*, hãy nghe lời dạy dỗ của cha con,
đừng quên lời khuyên răn của mẹ con.
Những lời dạy bảo ấy như hoa cài trên tóc,
như vòng xuyến đeo quanh cổ con.
10 Con ơi, nếu tội nhân tìm cách dẫn con vào lối lầm lạc,
thì đừng nghe theo.
11 Chúng sẽ nói, “Hãy cùng chúng ta
rình rập giết hại kẻ khác;
hãy tấn công người nào đi ngang qua.
12 Hãy ăn tươi nuốt sống chúng nó như sự chết;
hãy nuốt sống chúng nó như mồ mả.
13 Chúng ta sẽ cướp mọi của báu,
và chất của ăn cắp đầy nhà chúng ta.
14 Hãy đến nhập bọn với chúng ta.
Chúng ta sẽ chia của ăn cắp với anh.”
15 Con ơi, chớ nhập bọn với chúng theo con đường ấy,
hãy tránh lối đi của chúng.
16 Chúng vội vàng làm điều ác,
và nhanh tay giết người.
17 Giăng lưới mà để chim nhìn thấy được thì thật vô ích.
18 Nhưng chúng lại tự giăng bẫy cho mình,
và rình rập mình.
19 Đó là phần số của những kẻ tham lam;
Chúng sẽ chết vì tính tham lam của mình.
Sự khôn ngoan lên tiếng
20 Sự khôn ngoan lên tiếng nơi đường phố;
nàng§ lên tiếng chỗ công cộng.
21 Nàng kêu lên trong đường phố ồn ào,
và la lên nơi cửa thành như sau:
22 “Hỡi kẻ ngu dại, các ngươi sẽ chuộng sự ngu dại cho đến chừng nào?
Các ngươi sẽ chế giễu sự khôn ngoan,
và ghét sự thông sáng cho đến bao giờ?
23 Nếu các người chịu nghe khi ta sửa dạy các ngươi,
thì ta sẽ cho các ngươi biết tư tưởng của ta;
ta hẳn đã cho các ngươi biết ý nghĩ trong trí ta.
24 Tuy nhiên vì ta kêu mà các ngươi chẳng trả lời;
ta giơ tay ra mà các ngươi không thèm để ý.
25 Các ngươi chẳng thèm nghe lời khuyên ta,
và không đếm xỉa khi ta sửa dạy.
26 Cho nên khi các ngươi gặp khốn khó ta sẽ chế diễu các ngươi.
Ta sẽ chế diễu khi thảm hoạ chụp bắt các ngươi.
27 Khi thảm họa đến với các ngươi như giông bão,
khi khốn khó lao vào ngươi như gió lốc,
khi sự đau đớn và khốn khó chụp lấy ngươi,
28 Lúc ấy, chúng nó sẽ cầu cứu ta
nhưng ta sẽ không trả lời.
Chúng nó sẽ tìm kiếm ta nhưng không gặp.
29 Vì chúng đã gạt bỏ sự hiểu biết
và không kính sợ Chúa.
30 Chúng không thèm nghe lời khuyên ta,
bỏ ngoài tai mọi sự sửa dạy ta.
31 Cho nên chúng sẽ lãnh hậu quả của hành động mình;
chúng sẽ lãnh lấy những điều chúng dành cho kẻ khác.
32 Những kẻ ngu dại sẽ chết vì tính nết hư hỏng,
chúng sẽ bị tiêu diệt vì tính tự mãn.
33 Nhưng ai nghe lời ta sẽ sống an toàn,
bình an vô sự, không sợ hãi điều gì.”

* 1:8: Con ơi Những châm ngôn trong khúc nầy rất có thể viết cho một cậu con ở tuổi thiếu niên, một hoàng tử và sau nầy trở thành một thanh niên. Các châm ngôn nầy dùng để dạy cậu thiếu niên ấy lớn lên trở thành người có trách nhiệm và một lãnh tụ biết kính sợ Thượng Đế. Trong một khúc sau (9:13-18), sự ngu dại cũng được hình dung bằng một người đàn bà khác xúi giục chàng thanh niên đi vào nếp sống tội lỗi.
† 1:14: chia của ăn cắp Hay “chia túi bạc.”
‡ 1:20: Sự khôn ngoan Sự khôn ngoan ở đây được hình dung như một người đàn bà đức hạnh kêu gọi chàng thanh niên trở nên khôn ngoan và vâng lời Thượng Đế.
§ 1:20: nàng Chỉ “sự khôn ngoan.” (Những chỗ khác: Chương 1-5, tác giả đều nhân cách hóa từ nầy.)